Xây dựng thương hiệu: Các thuật ngữ chính mà chủ doanh nghiệp nên biết
Nhãn hiệu
Điều đầu tiên là – “Thương hiệu” nghĩa là gì? Nó có hai ý nghĩa. Đầu tiên Thương hiệu đề cập đến một tập hợp con của một tập đoàn lớn hơn (ví dụ: Nutriboost là một thương hiệu của Coca-Cola).
“Thương hiệu” cũng đề cập đến nhận thức mà mọi người có về công ty hoặc dòng sản phẩm của bạn. Nhận thức này có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm trải nghiệm trực tiếp, truyền miệng, quảng cáo và các dấu hiệu thương hiệu khác (logo, màu sắc, phong cách viết, v.v.)
Về cơ bản, thương hiệu là những gì mọi người nghĩ về doanh nghiệp của bạn. Và mặc dù nó không phải là một thứ hữu hình, nhưng đó là một trong những điều quan trọng nhất cần xem xét khi điều hành một doanh nghiệp vì nó giúp tạo ra lòng trung thành của khách hàng và cho phép doanh nghiệp của bạn nổi bật hơn so với đối thủ.
Xây dựng thương hiệu
"Xây dựng thương hiệu" là hành động mà bạn thực hiện để phân biệt doanh nghiệp của mình với doanh nghiệp của những người khác. Một trong những cách tốt nhất bạn có thể làm là áp dụng các dấu hiệu trực quan cho các sản phẩm, dịch vụ và những nơi khác mà mọi người tương tác với thương hiệu của bạn. Điều này thể hiện thông qua bao bì, trang web, cách bố trí cửa hàng hoặc cách bạn giới thiệu doanh nghiệp của mình trên phương tiện truyền thông xã hội.
Định vị thương hiệu
"Định vị thương hiệu" là cách một công ty chọn định vị trong ngành của mình để giúp công ty đó nổi bật so với đối thủ. Có vô số cách để bạn có thể định vị mình trước đối thủ cạnh tranh, nhưng điều quan trọng là phải chọn ra đâu là thế mạnh phù hợp với doanh nghiệp của bạn và tập trung vào những cách đó.
Định vị thương hiệu thành công bao gồm ba phần cơ bản:
1. Đối tượng mục tiêu: Thương hiệu dành cho ai? Bạn đang nhắm mục tiêu đến Gen Y, Gen Z hay đối tượng lớn hơn? Người nuôi thú cưng hay trồng cây cảnh?
2. Lợi ích: Doanh nghiệp của bạn sẽ làm cho cuộc sống của khách hàng tốt hơn như thế nào? Có gì trong doanh nghiệp có thể giúp ích cho họ?
3. Sự khác biệt: Tại sao một khách hàng nên chọn bạn thay vì đối thủ cạnh tranh? Bạn có dịch vụ khách hàng tốt hơn, thời gian linh hoạt hơn hay cung cấp dịch vụ tại nhà?
Tài sản thương hiệu
Tài sản thương hiệu là gì?
“Tài sản thương hiệu” đơn giản có nghĩa là giá trị. Thương hiệu của bạn có giá trị gì? Thương hiệu của bạn càng có nhiều liên tưởng tích cực thì giá trị sở hữu của nó càng cao. Tài sản thương hiệu bao gồm:
1. Nhận thức về thương hiệu và sự công nhận thương hiệu của khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại.
2. Nhận thức của người tiêu dùng được thúc đẩy bởi các nỗ lực tiếp thị, đánh giá của khách hàng và truyền miệng.
3. Trải nghiệm của khách hàng mới và khách hàng cũ.
4. Các chiến lược bán hàng độc đáo hoặc khác biệt.
Ví dụ: Giả sử một khách hàng tiềm năng đang lên kế hoạch cho một sự kiện và cần một nhà cung cấp thực phẩm. Họ so sánh doanh nghiệp của bạn với một doanh nghiệp khác trong khu vực và nhận được hợp đồng dịch vụ tương tự kèm theo báo giá từ cả hai bên. Họ đã nghe về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống của bạn từ một người bạn đã có trải nghiệm tuyệt vời với doanh nghiệp của bạn, trong khi họ tìm thấy doanh nghiệp của đối thủ thông qua Internet. Rất có thể, họ sẽ chọn doanh nghiệp mà họ biết rõ hơn – doanh nghiệp của bạn.
Làm thế nào bạn có thể xây dựng tài sản thương hiệu?
Vì vậy, bây giờ bạn đã biết rằng tài sản thương hiệu là chìa khóa để củng cố doanh nghiệp của bạn… nhưng làm thế nào bạn thực sự có thể xây dựng tài sản thương hiệu? Hãy bắt đầu bằng cách xem xét những điều sau:
1. Tăng cường bản sắc thương hiệu: Điều quan trọng là bạn phải biết bản sắc thương hiệu của mình và hiểu cách giúp doanh nghiệp của bạn tồn tại trong thị trường rộng lớn.
2. Quyết định giá trị thương hiệu đại diện: Truyền đạt ý nghĩa và giá trị thương hiệu thông qua trải nghiệm khách hàng hay sứ mệnh, giá trị cốt lõi – chẳng hạn như sử dụng nguyên liệu tự nhiên trong cửa hàng của bạn.
3. Tăng cường mối quan hệ khách hàng: Khi khách hàng kết nối cảm xúc với thương hiệu, bạn sẽ có được lòng trung thành của họ. Luôn giữ tương tác với khách hàng và giữ liên lạc thường xuyên với họ (thông qua bưu thiếp quảng cáo, bài đăng trên mạng xã hội,...) để giữ chân khách hàng.
Nguồn: VistaPrint
Dịch: Thế Giới In Ấn